Chi tiết bài viết - Sở giáo dục và đào tạo

Liên kết Website
Bản đồ vị trí
18/07/2022 | 17:53
A- A A+ |    

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả trưng tập, quản lý và sử dụng cộng tác viên thanh tra giáo dục

Cùng với sự phát triển của xã hội, với vị trí vai trò to lớn của công tác thanh tra ngày càng được củng cố, nâng cao trong việc thực hiện nhiệm vụ chung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, điều đó đã và đang đặt công tác thanh tra đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới phức tạp, nặng nề hơn. Công tác thanh tra giáo dục cần phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đội ngũ công tác viên thanh tra cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Để nâng cao hiệu quả trưng tập, quản lý và sử dụng cộng tác viên thanh tra giáo dục cần triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Đối với các cơ quan trực tiếp quản lý cộng tác viên thanh tra

- Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cần nâng cao nhận thức đối với tầm quan trọng của việc cử người tham gia làm cộng tác viên cho đoàn thanh tra, nhất là những vụ việc phức tạp và có tính chất nghiêm trọng để góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, khắc phục, bổ sung kịp thời những thiếu sót trong cơ chế quản lý của Nhà nước.

- Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cần phải tạo điều kiện tốt nhất có thể trong khoảng thời gian công chức, viên chức do đơn vị quản lý tham gia làm cộng tác viên thanh tra bằng cách tạo điều kiện về mặt thời gian, chuyển giao một số nhiệm vụ cho công chức, viên chức khác đảm nhiệm để công chức, viên chức được cử làm cộng tác viên thanh tra có nhiều thời gian tập trung cho các nhiệm vụ mà cơ quan thanh tra giao.

- Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp công chức, viên chức được trưng tập làm cộng tác viên thanh tra cũng cần xem xét nghiêm túc văn bản đánh giá, nhận xét của thủ trưởng cơ quan thanh tra trong quá trình được trưng tập để chủ động trong việc nắm bắt kết quả làm việc, đánh giá đúng về việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức do mình quản lý, phân loại công chức, viên chức, xếp loại thi đua khen thưởng phù hợp.  

2. Đối với cơ quan trưng tập cộng tác viên thanh tra

- Xác định rõ nhu cầu và yêu cầu đặt ra đối với người cần trưng tập thực hiện nhiệm vụ thanh tra, trao đổi, thống nhất, trưng tập đúng người phù hợp, từ chối tiếp nhận người không phù hợp với yêu cầu; lưu ý đến mối quan hệ giữa người được trưng tập với đối tượng thanh tra để loại trừ người có mối quan hệ có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra và thực hiện đúng thủ tục trưng tập cộng tác viên thanh tra theo quy định.

- Xác lập hệ thống cộng tác viên thanh tra để nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin phục vụ công tác thanh tra, tiến hành bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc trưng tập thực hiện cuộc thanh tra khi cần thiết đồng thời chủ động lên kế hoạch bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra cho đội ngũ này.

- Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cộng tác viên thanh tra trong quá trình tham gia hoạt động thanh tra. Thủ trưởng cơ quan thanh tra cần nghiêm túc thực hiện quy định đánh giá, nhận xét bằng văn bản về việc thực hiện nhiệm vụ của cộng tác viên thanh tra trong quá trình tham gia đoàn thanh tra gửi cho thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người được trưng tập. Việc nhận xét, đánh giá phải được tiến hành dựa trên những công việc được giao, kết quả hoàn thành những công việc đó, ý thức chấp hành kỷ luật trong quá trình tham gia hoạt động của đoàn thanh tra, tránh nhận xét, đánh giá chung chung.

- Nếu việc trưng tập cộng tác viên thanh tra không thường xuyên thì không cần phải có một tổng kết, đánh giá riêng về vấn đề này, nhưng khi tiến hành tổng kết, đánh giá chung theo năm học về hoạt động thanh tra thì cần phải bổ sung thêm nội dung thống kê, đánh giá về số lượng, hiệu quả việc trưng tập cộng tác viên thanh tra bởi đây cũng là một nội dung hoạt động cần phải được thống kê, tổng kết, hơn nữa cũng để rút kinh nghiệm cho quá trình triển khai thực hiện tiếp theo.

3. Đối với Trưởng đoàn thanh tra

Trưởng đoàn thanh tra cần quan tâm nắm bắt rõ năng lực của cộng tác viên được trưng tập để giao nhiệm vụ phù hợp, theo dõi quá trình làm việc để đưa ra những yêu cầu, chỉ đạo kịp thời, tạo động lực làm việc cho cộng tác viên thanh tra.

4. Tăng cường một số kỹ năng khi tham gia hoạt động thanh tra giáo dục

- Lập kế hoạch tiến hành thanh tra

Xây dựng kế hoạch của mỗi thành viên theo nhiệm vụ được phân công và báo cáo trưởng đoàn thanh tra.

- Kỹ năng thu thập tài liệu, chứng cứ

Thu thập, tài liệu chứng cứ là khâu có tính quyết định để làm rõ nội dung cuộc thanh tra hành chính, góp phần nâng cao chất lượng cuộc thanh tra, đảm bảo cho kết luận thanh tra được toàn diện, đầy đủ, đúng đắn, khách quan.

- Kỹ năng khai thác nội dung tài liệu, chứng cứ

Chứng cứ trong hoạt động thanh tra là những gì có thật được thu thập trong quá trình thanh tra, dùng làm căn cứ để kết luận vụ việc một cách khách quan và đúng quy định của pháp luật. Chứng cứ trong hoạt động thanh tra phải có tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Tính khách quan của chứng cứ bị lệ thuộc rất nhiều vào nhân tố chủ quan của người thu thập chứng cứ (thành viên Đoàn thanh tra), vì vậy đòi hỏi thành viên Đoàn thanh tra phải có tính trung thực, không thiên lệch, nhận thức sự thật, lẽ phải, có ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, danh dự và trí tuệ. Tính liên quan trong chứng cứ không tồn tại như sự việc đơn độc mà thường là hệ thống, nên không thể chỉ căn cứ vào một vài biểu hiện rời rạc mà cần xem xét hệ thống những sự việc xen kẽ nhau, liên quan chặt chẽ với nhau. Tính hợp pháp thể hiện chứng cứ được thu thập đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng thời gian thanh tra, trong phạm vi nội dung và thời điểm thanh tra.

Kỹ năng đánh giá chứng cứ

+ Đánh giá chứng cứ là xem xét giá trị chứng minh của chứng cứ về vấn đề cần thanh tra nhằm đưa ra nhận xét, kết luận, kiến nghị một cách đúng đắn, khách quan và đúng pháp luật.  Tài liệu làm chứng cứ phải đảm bảo tính khách quan, liên quan và hợp pháp. Cần thu thập đầy đủ nhất có thể để việc đánh giá không bị phiến diện; đánh giá cả những mặt ưu điểm, mặt khuyết điểm, vi phạm. Khi có sự mẫu thuẫn giữa các chứng cứ thì tìm chứng cứ khác bổ sung, làm rõ, không được sử dụng những chứng cứ chưa rõ, chưa được kiểm tra để kết luận.

+ Khi đánh giá chứng cứ, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đối tượng thanh tra phải lấy căn cứ pháp luật và các văn bản quản lý, chỉ đạo, điều hành làm tiêu chuẩn; tuyệt đối không đánh giá theo góc độ chủ quan.

+ Thực tiễn vô cùng phong phú, có những hoạt động chưa được điều chỉnh dưới góc độ văn bản quản lý thì cần tập hợp, nghiên cứu để tham mưu với Lãnh đạo Sở để xem xét, quyết định điều chỉnh trong phạm vi thẩm quyền.

- Kỹ năng xây dựng biên bản, báo cáo

+ Lập biên bản làm việc: kết quả làm việc liên quan đến nội dung thanh tra.

+ Dự thảo văn bản kiến nghị xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền những sai phạm được phát hiện.

+ Báo cáo bằng văn bản với trưởng đoàn về tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, trong quá trình tham gia hoạt động của đoàn thanh tra, cộng tác viên thanh tra phải tự mình cập nhật những kiến thức cần thiết liên quan tới nghiệp vụ thanh tra, phải theo sát hoạt động của đoàn thanh tra, tuân thủ pháp luật và sự phân công của trưởng đoàn thanh tra, phối hợp tốt với các thành viên khác của đoàn thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và tập trung tối đa thời gian cho việc thực hiện nhiệm vụ mà trưởng đoàn thanh tra phân công trong thời gian trưng tập./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 41
Tháng 03 : 110.268
Tháng trước : 94.579
Năm 2022 : 557.777