Chi tiết bài viết - Sở giáo dục và đào tạo

Liên kết Website
Bản đồ vị trí
23/08/2022 | 14:08
A- A A+ |    

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra

Thanh tra là chức năng thiết yếu của quản lý nói chung, của quản lý Nhà nước nói riêng. Vì thế tính mục đích trong hoạt động thanh tra trước hết và quan trọng nhất đó là phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm, khiếm khuyết. Từ thực tiễn hoạt động thanh tra cho thấy, để đưa ra những nhận xét, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra luôn phải lấy pháp luật làm thước đo, làm tiêu chí để so sánh, đánh giá. Nếu pháp luật chưa quy định thì cần tìm tiền lệ, thông lệ để so sánh, đánh giá. Nếu pháp luật chưa quy định, mà tiền lệ, thông lệ cũng chưa có thì phải xem xét tính không vụ lợi của hành vi, việc làm đó để xem xét, đánh giá. Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra cần:

Đổi mới sự chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra

Việc đổi mới sự chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra cần bắt đầu từ khâu định hướng hoạt động thanh tra. Nếu như trước đây định hướng hoạt động thanh tra chủ yếu nhằm mục tiêu phục vụ quản lý thì nay theo tinh thần Hiến pháp 2013, hoạt động thanh tra không chỉ phục vụ chủ thể quản lý mà phải hướng tới kiểm soát việc thực thi quyền lực Nhà nước - quyền hành pháp và bảo vệ quyền con người.

Muốn vươn tới mục tiêu này thì việc rà soát những chỗ có vấn đề, rồi lựa chọn đối tượng thanh tra, nội dung và phạm vi thanh tra là điều trọng yếu thứ hai sau định hướng hoạt động thanh tra. Thanh tra thường hướng đến những chỗ có vấn đề nên phải lường trước mọi sự cám dỗ, thách thức để vượt qua và xử lý hiệu quả sự phản kháng, đối phó công khai hoặc không công khai của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan. Vì thế người đứng đầu cơ quan thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải đủ bản lĩnh, kinh nghiệm và năng lực để vượt qua những thách thức này.

Việc xử lý tình huống trong hoạt động thanh tra: Tình huống trong hoạt động thanh tra phải xử lý thường là những tình tiết, hành vi, sự kiện không dự liệu trước được và/hoặc vượt quá thẩm quyền của người tiến hành thanh tra, thậm chí của người ra quyết định thanh tra, người đứng đầu cơ quan thanh tra. Xử lý tình huống trong thanh tra không chỉ đề cao tính trách nhiệm là đủ mà còn đòi hỏi cả sự dũng cảm vì lợi ích chung, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng chỉ đạo, điều hành của người có thẩm quyền. Thực tế chỉ ra rằng để vượt qua những thách thức trong xử lý tình huống, trong chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, người đứng đầu cơ quan thanh tra đã phải trả giá bằng cả sinh mệnh chính trị của mình, của gia đình mình.

Đổi mới công tác giám sát, kiểm tra hoạt động thanh tra và công tác phản biện, thẩm định kết quả thanh tra. Cần tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra của đơn vị chủ trì cuộc thanh tra, của người ra quyết định thanh tra, của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra đối với người tiến hành thanh tra.

Bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho những người tiến hành thanh tra

Người tiến hành thanh tra vừa phải có phẩm chất, đạo đức trong sáng, vừa phải có năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Điều này đòi hỏi người tiến hành thanh tra, đặc biệt là trưởng đoàn thanh tra phải am hiểu chính sách, pháp luật, hiểu biết về quản lý hành chính Nhà nước, thành thạo kỹ năng xem xét, đánh giá và có kiến thức về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ liên quan tới nội dung thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra còn phải nhuần nhuyễn kỹ năng lãnh đạo, quản lý, có năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kinh nghiệm xử lý tình huống và đủ bản lĩnh vượt qua những thách thức trong hoạt động thanh tra.

Người tiến hành thanh tra không phải ai cũng luôn có sẵn những kiến thức, hiểu biết nêu trên, không phải cái gì cũng biết, cái gì cũng tinh thông. Có người giỏi về kỹ năng, nghiệp vụ thanh tra nhưng chưa tinh thông về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ liên quan đến nội dung thanh tra và ngược lại. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng thanh tra nói riêng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra nói chung, thì việc bồi dưỡng, tăng cường năng lực tổng thể bằng nhiều hình thức, phương thức đa dạng, phong phú cho những người tiến hành thanh tra là yêu cầu luôn phải đặt ra. Từ đào tạo chính quy đến bồi dưỡng, tập huấn theo kế hoạch của cơ quan, tổ chức, đơn vị đến việc tự nghiên cứu, học tập, cập nhật, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ của mỗi cá nhân; học thông qua trường lớp, học thông qua công việc.

Thái độ hợp tác của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan

Nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, ngoài việc quy định mục đích, nguyên tắc, những điều không được làm trong hoạt động thanh tra, pháp luật nói chung và pháp luật thanh tra nói riêng có những quy định khá cụ thể, logic, đồng bộ về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thanh tra. Thường là quyền của chủ thể tiến hành thanh tra sẽ là nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan và ngược lại, quyền của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan sẽ là nghĩa vụ của chủ thể tiến hành thanh tra. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố không mang tính tích cực chi phối, trong đó có yếu tố nhận thức và ý thức pháp luật mà không phải lúc nào mối quan hệ giữa người tiến hành thanh tra với đối tượng thanh tra, với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cũng thuận lợi thậm chí trong không ít trường hợp, các bên còn cố ý gây khó dễ cho nhau trong quá trình thanh tra. Chủ thể tiến hành thanh tra thì nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hạch sách, dọa dẫm. Đối tượng thanh tra chậm trễ trong việc cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, bố trí người làm việc không đúng thẩm quyền, báo cáo, giải trình vòng vo, gây khó khăn, cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra, xác minh... Những tình huống như vậy cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra. Vì vậy, có được thái độ hợp tác, xây dựng giữa người tiến hành thanh tra với đối tượng thanh tra, với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra.

Để có được thái độ hợp tác tích cực, xây dựng giữa các bên trong hoạt động thanh tra, trước hết, đòi hỏi người tiến hành thanh tra phải có quan điểm, thái độ đúng mực, kiên nhẫn lắng nghe, phương pháp làm việc khoa học, không vòi vĩnh, không nhũng nhiễu, không vụ lợi, không tạo áp lực vô lý lên đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc tiến hành thanh tra phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục được pháp luật quy định; việc sử dụng các quyền hạn phải thỏa mãn các điều kiện mà pháp luật ràng buộc và phải chú ý tính đến hậu quả không mong muốn phát sinh từ việc sử dụng quyền hạn có tính cưỡng chế mạnh trong quá trình thanh tra của trưởng đoàn thanh tra, của người ra quyết định thanh tra. Ngoài ra các phương pháp tâm lý, tư tưởng, thuyết phục, dân chủ, lắng nghe, tôn trọng quyền giải trình của đối tượng thanh tra trong quá trình tiến hành thanh tra cũng giúp cải thiện rất nhiều thái độ ứng xử giữa các bên trong hoạt động thanh tra.

Các yếu tố khác bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra

Để bảo đảm tuân thủ nguyên tắc chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời, ngoài việc thu thập, nghiên cứu, đối chiếu, so sánh hồ sơ, tài liệu, thông tin, vật chứng, hoạt động thanh tra còn phải tiến hành kiểm tra, xác minh tại chỗ việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra. Thanh tra là phải đến tận nơi, phải mắt thấy, tai nghe để đưa ra những đánh giá, nhận xét bảo đảm tính chính xác, khách quan. Nếu vẫn chưa đủ sự tin cậy thì người ra quyết định thanh tra còn phải thông qua trưng cầu giám định để bảo đảm kết luận thanh tra đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được pháp luật quy định. Ngoài các yếu tố được luận giải ở trên, chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra còn bị chi phối bởi các yếu tố khác như kinh phí, phương tiện, thời gian, các trang thiết bị, văn phòng phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết khác phục vụ cho sinh hoạt và làm việc của các thành viên đoàn thanh tra trong giai đoạn trực tiếp tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh vụ việc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 146
Tháng 03 : 110.268
Tháng trước : 94.579
Năm 2022 : 557.704