Chi tiết bài viết - Sở giáo dục và đào tạo

Liên kết Website
Bản đồ vị trí
07/10/2022 | 08:10
A- A A+ |    

Hết lòng vì sự nghiệp trăm năm. Bài 1: Trọn đời hiến dâng cho Đảng

Đáp lời Đảng gọi, nhiều thế hệ đảng viên, giáo viên cả nước nói chung, Quảng Trị nói riêng đã hiến dâng tuổi thanh xuân, máu xương hay một phần thân thể của mình cho quê hương, đất nước và sự nghiệp “trồng người”. Giữa thời chiến hay hòa bình, ngọn lửa trong tim họ chưa bao giờ tắt, ngược lại luôn cháy sáng, lan tỏa cho muôn đời sau.

 

Lên đường theo tiếng gọi của Đảng 

Dẫu nắng mưa thất thường nhưng những người thợ làm công trình tôn tạo, nâng cấp khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn vẫn miệt mài, khẩn trương với công việc. Khu tưởng niệm được nâng cấp, tôn tạo đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Quảng Trị. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành đúng thời điểm kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Dẫu chạy đua với tiến độ nhưng những người thợ luôn nhắc nhủ nhau chăm chút cho từng viên gạch, đường viền… bởi ý nghĩa thiêng liêng của công trình.

Khởi công công trình tôn tạo khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngành GD&ĐT tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn  Ảnh: Q.H

Nhắc đến công trình tri ân này, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương không khỏi bùi ngùi xúc động. Cô Hương cho biết, đây là tâm tư, nguyện vọng của mình cùng nhiều cán bộ, giáo viên trong và ngoài tỉnh từ lâu. Trước đó, mỗi lần đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, cô thường thu xếp thời gian đến khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngành GD&ĐT để thắp nén hương thơm, đặt những nhành hoa… Khi thấy thời gian, mưa gió làm công trình xuống cấp, cô Hương canh cánh trong lòng. “Trong chiến tranh, nhiều nhà giáo đã tạm gác mọi thứ thân thuộc, xung phong bước vào chiến trường Quảng Trị để cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ, mang lại hòa bình, ấm no cho muôn đời sau. Phần lớn các giáo viên lên đường là đảng viên. Dưới làn mưa bom, bão đạn, nhiều người đã mãi mãi ngã xuống, nằm lại mảnh đất này”, cô Hương chia sẻ.

Tri ân những người đã nằm xuống, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương và nhiều đồng nghiệp công tác trong ngành giáo dục rất mong muốn chung tay nâng cấp, tôn tạo khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngành GD&ĐT tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Nguyện vọng ấy đã được Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam và nhiều tổ chức, cá nhân thấu cảm. Cùng với nhau, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam và ngành Giáo dục Quảng Trị đã chung tay huy động được 1,8 tỉ đồng để nâng cấp, tôn tạo công trình.

Ngày lễ khởi công được tổ chức, từ Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân đã vào Quảng Trị để thắp một nén hương. Ông cho biết, nhiều đảng viên, giáo viên nằm lại nơi đây có tuổi đời rất trẻ. Một số người mới bước lên bục giảng đã đặt viên phấn trắng xuống để cầm cây súng vào chiến trường Quảng Trị. Không ít thầy cô đã viết đơn bằng máu để đi đánh giặc. “Vinh quang của Tổ quốc hôm nay có sự hy sinh lớn lao của đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên các trường đại học”, ông Nguyễn Ngọc Ân khẳng định.

Giữa bảng lảng khói hương, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân chia sẻ mong muốn, các thế hệ đảng viên, nhà giáo, người lao động ngành giáo dục hôm nay tiếp nối sự nghiệp cách mạng của lớp người đi trước, trong đó có các thầy cô đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc để lại. Mỗi người cần chiêm nghiệm và sống có trách nhiệm hơn với Tổ quốc, Nhân dâ

Viết tiếp sử vàng

Không lâu trước ngày diễn ra lễ khởi công công trình tôn tạo khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngành GD&ĐT tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Sở GD&ĐT tỉnh có cuộc gặp mặt đoàn cựu giáo chức các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Bình… đi B tại Quảng Trị từ năm 1972 đến năm 1978. Hôm cuộc gặp mặt được tổ chức, các cựu giáo chức đã dành thời gian đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, trong đó có những người làm “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Năm xưa, chính câu chuyện về những đảng viên, giáo viên tình nguyện vào Nam chiến đấu đã thôi thúc các thầy cô tiếp bước, đến “gieo chữ” ở vùng giải phóng Quảng Trị. Họ được trìu mến gọi là giáo viên đi B.

Đến giờ, nhiều giáo viên đi B vẫn nhớ như in cơ duyên đưa mình tới Quảng Trị. Cách đây vừa tròn 50 năm, sau ngày Quảng Trị được giải phóng, một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu của chính quyền cách mạng là chăm lo sự nghiệp “trồng người”.

Để thực hiện nhiệm vụ ấy, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã sử dụng lực lượng tại chỗ và tăng cường những người đang đảm nhiệm các công việc khác ở vùng giải phóng cho giáo dục. Các lớp đào tạo cấp tốc ngành sư phạm được mở.

Lãnh đạo tỉnh cũng đã đề xuất khẩn cấp với trung ương xin chi viện con người và các điều kiện cần thiết trước mắt cho giáo dục Quảng Trị. Đáp lời kêu gọi của Đảng và của cách mạng miền Nam, từ năm 1972, một lực lượng đông đảo đảng viên, cán bộ, giáo viên, sinh viên thuộc 17 tỉnh miền Bắc XHCN gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... đã tình nguyện đi B. Số lượng thầy cô từ miền Bắc vào Quảng Trị “gieo chữ” lên đến khoảng 700 người.

Ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nguyễn Thị Hồng Vân vẫn miệt mài làm nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài - Ảnh: Q.H

Phần lớn đảng viên, giáo viên B còn rất trẻ. Trước khi lên đường, họ được bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, chuyên môn vững vàng. Tình nguyện vào vùng đất vừa bước ra khỏi mưa bom, bão đạn, ai cũng xác định tinh thần đối diện với gian khó, hiểm nguy. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn vượt xa những gì họ suy nghĩ, đoán định. Trên mảnh đất còn nặng mùi bom đạn, thuốc súng ngày ấy, các thầy cô giáo đi B đã đem hết tuổi thanh xuân để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục Quảng Trị; trang bị cho học sinh và Nhân dân vùng giải phóng có đầy đủ kiến thức để hàn gắn vết thương chiến tranh tiến lên xây dựng CNXH; tạo dựng nền móng ban đầu cho giáo dục ở vùng mới giải phóng… Trong giai đoạn đầy thử thách này, một số giáo viên đi B đã hy sinh. Có người bị nhiễm chất độc da cam, bị sốt rét ác tính, tai nạn bom mìn…

Đón các đảng viên, giáo viên đi B trở lại “chiến trường xưa”, lãnh đạo Sở GD&ĐT bồi hồi, xúc động nhắc đến những người đã khuất hoặc vì những lý do khác nhau, trong đó phần lớn là sức khỏe nên không tham dự được cuộc gặp mặt. Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương nói: “Các thầy cô đã để lại những giá trị đáng quý, truyền cảm hứng cho thế hệ giáo viên Quảng Trị hôm nay có thêm sức mạnh để nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn trong công tác, tiếp tục đưa ngành GD&ĐT Quảng Trị vững bước phát triển trong tình hình mới”.

Giữ trọn lời thề với Đảng

Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày các đảng viên, giáo viên miền Bắc bắt đầu đi B vào Quảng Trị, mỗi thầy cô có những ngã rẽ cuộc đời khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung là ai cũng một lòng cống hiến cho Đảng, cho quê hương, đất nước và sự nghiệp giáo dục. Nhiều người đã chọn Quảng Trị là quê hương thứ hai.

Theo lời giới thiệu của Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương, chúng tôi tìm gặp nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Trương Sỹ Tiến. Đến giờ, dẫu tóc bạc, da mồi, nhưng ký ức tuổi xuân dâng Đảng vẫn in sâu trong thầy Tiến. Nở nụ cười hiền từ, thầy Tiến cho biết, mình đã có 57 năm tuổi Đảng. “49 năm trôi qua trong chớp mắt. Lúc vào Quảng Trị, tôi mới tròn 8 năm tuổi Đảng. Cũng như các giáo viên đi B khác, tôi lên đường với suy nghĩ, là đảng viên, nơi nào khó thì mình có mặt”, thầy Tiến kể.

Ngày đầu đến Quảng Trị, đập vào mắt thầy Trương Sỹ Tiến là một mảnh đất hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh. Ngoài bom mìn, dây thép gai còn sót lại và bời bời cỏ tranh, hầu như mọi thứ đều thiếu. Nói về khó khăn, cán bộ, người dân Quảng Trị thời bấy giờ kể nguyên ngày cũng không hết. Trong bối cảnh ấy, cái níu chân thầy Tiến và nhiều giáo viên đi B khác là lời thề với Đảng, với nghề và với cả lòng mình. Các thầy cô tỏa khắp miền quê chung tay mở trường, mở lớp, rồi miệt mài gõ cửa từng nhà để vận động người dân đi học chữ. Thầy Tiến bộc bạch: “Trải nhiều khó khăn, thử thách, niềm vui lớn nhất với chúng tôi là thấy Ty Giáo dục được thành lập; những ngôi trường mọc lên; người lớn, trẻ em nô nức đi học… Bài toán về con chữ mà lãnh đạo, người dân Quảng Trị trăn trở, âu lo sớm được giải quyết”.

Sau này, với sự tâm huyết, trách nhiệm và năng lực của mình, thầy Trương Sỹ Tiến đã đảm nhiệm nhiều chức vụ, vị trí. Đến ngày về hưu, dẫu nhiều người khuyên nghỉ ngơi để “vui thú điền viên” nhưng thầy vẫn miệt mài làm công tác khuyến học. Cho đến khi tìm được người kế cận tin cậy, thầy Tiến mới quyết định lùi về làm “quân sư”. Như cơ duyên sắp đặt, người thầy gửi gắm niềm tin cũng chính là một giáo viên đi B - cô Nguyễn Thị Hồng Vân.

Chuyện trò bên chén nước trà thơm, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ, đến giờ, cô vẫn ơn sâu lãnh đạo, người dân Quảng Trị, đặc biệt là thầy Trương Sỹ Tiến đã luôn yêu thương, quý trọng mình. Khi mới 18 tuổi, trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt ở miền Bắc, cô Vân đã đứng trên bục giảng. Năm 1972, cô viết đơn tình nguyện vào Nam và được phân công về Quảng Trị giảng dạy. Có lẽ chính tình cảm quá lớn cho mảnh đất này đã thôi thúc cô ở lại làm việc, rồi lấy chồng, sinh con.

Tri ân Quảng Trị, đến tuổi hưu, người phụ nữ gốc Bắc vẫn dặn lòng cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người” thông qua hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Từ năm 2008 đến nay, cô Vân cùng các cán bộ khuyến học khác đã huy động được trên 480 tỉ đồng cho quỹ khuyến học của tỉnh, qua đó chắp cánh ước mơ đèn sách cho rất nhiều thế hệ học trò. “15 năm làm công tác khuyến học, tôi đã quen với khó khăn, thử thách. Chính tiếng gọi từ trái tim người đảng viên đã thôi thúc tôi vượt mọi rào cản, dồn toàn tâm, toàn sức giúp sự học ở Quảng Trị lên cao”, cô Hồng Vân bộc bạch.

Cũng như nhiều đảng viên, giáo viên năm xưa, giờ đây, thầy Trương Sỹ Tiến, cô Nguyễn Thị Hồng Vân đều đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”. Thế nhưng, họ vẫn luôn nêu cao tinh thần, đạo đức, phẩm chất của người đảng viên, giáo viên. Bằng nhiều cách khác nhau, các thầy cô vẫn đang miệt mài tiếp sức cho sự học ở Quảng Trị bằng cách riêng. Ai cũng tự hứa với lòng mình: “Trái tim còn đập thì còn cống hiến cho Đảng, cho quê hương, đất nước và sự nghiệp trồng người”.

(Nguồn Trương Quang Hiệp – Báo Quảng Trị)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lượt truy cập hiện tại : 37
Hôm nay : 373
Tháng 03 : 110.268
Tháng trước : 94.579
Năm 2022 : 622.093