Chi tiết bài viết - Sở giáo dục và đào tạo

Liên kết Website
Bản đồ vị trí
05/07/2022 | 11:29
A- A A+ |    

CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VỚI HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH TRONG HOẠT ĐỘNG KHUYẾN HỌC KHUYẾN TÀI, XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP Ở QUẢNG TRỊ

I. CÁC VĂN BẢN PHỐI HỢP

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (Kết luận số 49-KL/TW), Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” và Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW; Chương trình phối hợp số 681/CTr-BGDĐT-HKHVN ngày 20/9/2017 của Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam. Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị và Hội Khuyến học tỉnh đã kí kết các Kế hoạch và Chương trình phối hợp:

- Kế hoạch số 737/KH-SGD-HKH ngày 12/3/2006 về việc Phối hợp hoạt động triển khai thực hiện Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010”

- Kế hoạch số 317/KH-SGD-HKHQT ngày 13/3/20012 về việc Phối hợp công tác giai đoạn 2011-2015;

- Chương trình phối hợp số 68/CTrPH-HKH-SDGĐT ngày 07/5/2018 về việc Phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2018-2020.

II. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỐI HỢP

Trong những năm qua ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cùng với Hội Khuyến học luôn có sự phối hợp thực hiện mục tiêu chung: huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước; góp phần thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách của nhà nước về giáo dục và đã đạt được những kết quả cụ thể sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức của toàn dân về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn phát triển mới của đất nước; gắn kết chặt chẽ phong trào “xây dựng xã hội học tập” với cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”; cùng với việc thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên do Bộ GD&ĐT quy định, chú trọng xây dựng các chương trình phổ biến kiến thức gắn kết với nhu cầu người học, của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Vận động các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể xã hội, các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế hỗ trợ về tài chính. Phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể xã hội tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để mọi người, ở mọi nơi đều được học tập thường xuyên, học tập liên tục, học tập suốt đời.

Việc phối hợp gắn liền với việc phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện:

- Sở GD&ĐT tạo điều kiện để Hội Khuyến học tham gia giáo dục cho mọi người; Sở chỉ đạo các Phòng GD&ĐT phối hợp với Hội Khuyến học huyện xây dựng Kế hoạch thực hiện, tiếp tục mở các lớp xóa mù chữ, các lớp học chuyên đề, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ cho mọi đối tượng, trong đó quan tâm đối tượng không được tham gia học tập trong nhà trường chính quy, đối tượng là dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa ... góp phần củng cố công tác phổ cập giáo dục Tiểu học và phổ cập Trung học cơ sở; Chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các Trung tâm GDNN - GDTX hỗ trợ hướng dẫn về chuyên môn đối với hoạt động các TT HTCĐ.

- Hội Khuyến học chỉ đạo các cấp Hội khuyến học ở cơ sở phối hợp với phòng giáo dục triển khai từng bước thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch phối hợp: tuyên truyền vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng xã hội học tập; trong đó chú trọng đến công tác vân động phong trào toàn dân đưa trẻ đến trường và phong trào học tập nâng cao chất lượng cuộc sống ở các lớp học chuyên đề tại các TT HTCĐ; thường xuyên chỉ đạo các cấp hội phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức điều tra nhu cầu học tập suốt đời của mọi đối tượng trong địa phương và kiến nghị với các cấp chính quyền xây dựng kế hoạch xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; xây dựng những điển hình tiên tiến về phong trào “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học” và “làng, thôn, bản khuyến học” nay là xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”… Hàng năm, vào ngày Hội Khuyến học 02/10 đã tổ chức biểu dương, khen thưởng các địa phương và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học.

2. Phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức Tuần lễ khuyến học, Tháng khuyến học, tổ chức Ngày khuyến học 2/10 và các hoạt động khác động viên phong trào khuyến học, khuyến tài trong xã hội, kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày hội đại đoàn kết toàn dân 18/11, hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời” tháng 10, tổ chức “Ngày sách Việt Nam” 21/4 hàng năm.

3. Phối hợp triển khai thí điểm tiến đến triển khai đại trà bộ Tiêu chí đánh giá, xếp loại "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập" Đơn vị học tập" tại các huyện, thị xã, thành phố. Một số đề tài nghiên cứu lí luận và triển khai ứng dụng thực tiễn xây dựng xã hội học tập ở Quảng Trị được Hội và Sở cùng phối hợp thực hiện làm cơ sở hoạt động tại các địa phương như: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về “Nhân rộng mô hình xã hội học tập cấp xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Đề tài được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu đánh giá xếp loại xuất sắc.

Phong trào xây dựng Gương sáng hiếu học, gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học trên địa bàn tỉnh đã phát triển một cách vững chắc, tiếp tục được nhân rộng và có chất lượng cao hơn, truyền thống hiếu học của nhân dân trong tỉnh tiếp tục được khơi dậy, tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ, tác động tích cực đến sự phát triển Giáo dục và Đào tạo và phong trào xây dựng XHHT.

Trong thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo cùng với Hội Khuyến học các cấp phối hợp hoạt động đã đạt được một số kết quả đáng kể trong việc xây dựng và hỗ trợ hoạt động của các TT HTCĐ. Hoạt động của các TT HTCĐ mang lại một số kết quả nhất định, đời sống tinh thần và vật chất của người dân từng bước được cải thiện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương vào chương trình xóa đói giảm nghèo và chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

4. Phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội và cán bộ quản lý các TT HTCĐ cách thức tiến hành tổ chức các hoạt động thực hiện đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020" của Chính phủ và các văn bản Bộ GD&ĐT quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của CBQL các TT HTCĐ xã, phường, thị trấn trong xây dựng xã hội học tập.

5. Phối hợp vận động toàn dân xây dựng Quỹ khuyến học huy động sức mạnh của các lực lượng xã hội chăm lo cho sự nghiệp “Trồng người” (Quỹ Khuyến học được thành lập từ năm 2002 theo Quyết định số 1185/QĐ-UBND ngày 12/6/2002 của UBND tỉnh). Hội xác định xây dựng, phát triển quỹ khuyến học là nhiệm vụ rất quan trọng để hỗ trợ và thực hiện tốt công cuộc khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hội đã tranh thủ kết nối được với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đồng hành cùng với Hội khuyến học trong việc xây dựng quỹ.

Sở GD&ĐT là một trong những đơn vị tích cực chung tay, góp sức cùng với cán bộ, hội viên Hội Khuyến học và nhân dân cả tỉnh trong việc huy động Quỹ Khuyến học. Hàng năm, cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục cùng góp một phần vào Quỹ học bổng “Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường” tổ chức vào dịp tháng 10 để động viên khích lệ các tân sinh viên nghèo có cơ hội và động lực đến trường.

6. Biểu dương khen thưởng những học sinh đạt giải cao, đặc biệt cấp khu vực, quốc gia, quốc tế. Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp danh sách học sinh đạt giải, thống nhất với Hội Khuyến học để Hội tổ chức trao thưởng kịp thời nhằm động viên, khuyến khích phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh.

Sở chỉ đạo Phòng giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc, các TT GDNN - GDTX rà soát đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thống nhất với Hội khuyến học tổ chức trao học bổng.

Hội Khuyến học tỉnh chỉ đạo Hội khuyến học cấp huyện, cấp xã rà soát các em trong độ tuổi đến trường và những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện để tiếp tục đến trường, lập danh sách đề nghị các nhà tài trợ ủng hộ quỹ khuyến học, tổ chức trao học bổng cho các em nhằm tạo điều kiện cho các em được tiếp tục đến trường học tập.

Trong thời gian tới Sở và Hội tiếp tục làm nòng cốt liên kết, phối hợp các tổ chức, các lực lượng xã hội đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo Chỉ thị 11 - CT/TW của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết BCHTW 8 (khóa 11) về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo. Trong giai đoạn 2018 - 2020, hai cơ quan tăng cường phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả 5 nội dung. Gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Tham mưu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; Xây dựng, kiểm tra, đánh giá, xếp loại các mô hình học tập; Phát triển hội viên và tổ chức Hội, nâng cao năng lực hoạt động khuyến học, khuyến tài. Phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập, góp phần thực hiện “Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” và Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030” theo hướng nâng cao chất lượng các mô hình học tập.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lượt truy cập hiện tại : 10
Hôm nay : 254
Tháng 03 : 110.268
Tháng trước : 94.579
Năm 2022 : 606.717