Chi tiết bài viết - Sở giáo dục và đào tạo

Liên kết Website
Bản đồ vị trí
07/10/2022 | 16:35
A- A A+ |    

Hết lòng vì sự nghiệp trăm năm. Bài 3: Giữ trọn lửa nghề cháy mãi

Từ trước đến nay, Đảng ta luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Sự nghiệp “trồng người” được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội tin cậy giao cho đội ngũ nhà giáo. Nhận thức rõ trách nhiệm thiêng liêng của mình, lãnh đạo ngành giáo dục Quảng Trị đã nỗ lực khơi dậy ngọn lửa truyền thống, phát huy vai trò, vị trí của mỗi đảng viên, giáo viên để vươn lên, gặt hái những thành quả ngọt ngào.

Quả ngọt cho sự nỗ lực

Những cựu giáo chức năm xưa có lẽ sẽ ấm lòng khi biết các thế hệ đảng viên, nhà giáo hôm nay đã thành công trong việc tiếp lửa truyền thống. Hôm Sở GD&ĐT tổ chức cuộc gặp mặt đoàn cựu giáo chức các tỉnh, thành miền Bắc đi B tại Quảng Trị từ năm 1972 - 1978, ai cũng vui khi nghe lãnh đạo Sở GD&ĐT thông báo kết quả của 50 năm nỗ lực. Với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, ngành giáo dục Quảng Trị đã gặt hái nhiều thành tích cao. Có thể nói toàn ngành đã làm nên một cuộc bứt phá quyết liệt, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước.

 

Lãnh đạo ngành giáo dục Quảng Trị tặng hoa cho Phan Đăng Nhật Minh trước ngày em ra Hà Nội tham dự chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia - Ảnh: Q.H

Các thầy, cô giáo đi B vẫn nhớ như in, năm học đầu tiên 1973 - 1974, cả vùng giải phóng Quảng Trị chỉ có vỏn vẹn 23 cơ sở giáo dục. Về các địa phương công tác, giáo viên chỉ ước ao mỗi xã có một ngôi trường được “cứng hóa” để không bị sập đổ, hư hỏng mỗi lúc mưa gió, bão bùng. Mong muốn ấy giờ đã trở thành hiện thực. Đến nay, quy mô, mạng lưới trường lớp trong tỉnh đã đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân.

Đến năm học 2021 - 2022, toàn ngành có 399 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trung tâm; 1 phân hiệu Đại học Huế, 3 trường cao đẳng và 2 trường trung cấp. Các trung tâm học tập cộng đồng phủ khắp 125 xã, phường, thị trấn. Bên cạnh hệ thống giáo dục công lập, ngành GD&ĐT cùng các địa phương đã huy động các nguồn lực xã hội đa dạng hóa các hình thức giáo dục, loại hình nhà trường, phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập. Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa, đến nay, tỉ lệ phòng học kiên cố - cao tầng của các cấp học trên địa bàn đạt hơn 72,5%. Tỉ lệ xã, phường, thị trấn có trường cao tầng, kiên cố hóa đạt 100%.

“Cuộc chiến” xóa mù chữ và phổ cập giáo dục in dấu nhiều đảng viên, giáo viên năm xưa đã sớm giành thắng lợi. Năm 1990, toàn tỉnh có 14.500 người mù chữ trong độ tuổi từ 15 - 35. Vậy mà chỉ 6 năm sau, Quảng Trị hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ và hoàn thành phổ cập giáo dục THCS vào năm 2005. Tháng 12/2013, tỉnh Quảng Trị hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

 Đến nay, ngành giáo dục Quảng Trị đã duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học (mức độ 3), phổ cập giáo dục THCS (mức độ 1) và xóa mù chữ (mức độ 1). Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt nhiều kết quả tích cực. Tính riêng khối trường công lập, đến giữa tháng 4/2022, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn đạt 172/367 trường, chiếm tỉ lệ 46,9%.

Tin vui về công tác dạy và học đến với đảng viên, giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều. Không chỉ gặt hái kết quả cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, nhiều học sinh đã xuất sắc giành giải thưởng tại các sân chơi trí tuệ lớn tầm quốc gia, cuộc thi khu vực, quốc tế… Riêng huyện Hải Lăng có đến 4 học sinh lọt vào chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Trong đó, có 2 em giành được vòng nguyệt quế chung cuộc. Xếp hạng của tỉnh theo điểm trung bình kết quả thi đại học, cao đẳng 5 năm trở lại đây đứng ở vị thứ từ 29 đến 32 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều học sinh đỗ thủ khoa vào các trường đại học… Trong kỳ thi vừa qua, nhiều lớp học ở các trường từ đồng bằng lên miền núi có tỉ lệ đỗ đại học đạt 100%.

Theo Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương, thành tựu giáo dục Quảng Trị đạt được trong 50 năm qua trước hết là kết quả của sự quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về GD&ĐT phù hợp với thực tiễn của địa phương. Để có được thành quả ấy, những người làm công tác giáo dục của tỉnh rất tri ân sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ và chính quyền; sự phối hợp đồng bộ có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh; sự đồng hành, sẻ chia, hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân…

 “Kết quả đáng mừng kể trên cũng chính là sự kết tinh của công sức, trí tuệ, tâm huyết và nghị lực phấn đấu của đội ngũ các thế hệ nhà giáo, tinh thần hiếu học, cầu tiến bộ, ý chí vượt khó của các thế hệ học sinh và các tầng lớp nhân dân địa phương”, cô Hương nhấn mạnh.

 Gắn nhiệm vụ “trồng người” với xây dựng Đảng

Tiếp chúng tôi sau khi vừa trở về từ chuyến thăm gia đình các giáo viên chịu thiệt hại nặng do cơn bão số 4, gương mặt Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương vẫn còn vương nét buồn. Cô cho biết hầu như năm nào, cô và đồng nghiệp cũng có vài chuyến đi như thế này. Hồi trận lũ lớn xảy ra vào năm 2020, lên thăm một số xã thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, thấy trường lớp hoang tàn, gương mặt đồng nghiệp hằn sâu nỗi lo lắng, cô Hương ôm các giáo viên vùng cao, hòa cùng dòng nước mắt. “Sau đó không lâu, lên thăm lại miền quê nơi cơn lũ đi qua, tôi rất bất ngờ khi thấy trường lớp đã khang trang, sạch đẹp. Học sinh vui tươi đến lớp. Để có hình ảnh đẹp này, tôi biết, rất nhiều người, trong đó có các đảng viên, giáo viên đã đổ bao mồ hôi, công sức”, cô Hương kể.

Ở miền quê vẫn còn khó nghèo Quảng Trị, sự nghiệp “trồng người” thiếu nhiều thứ nhưng lại dư thừa gian nan. Mỗi giai đoạn, một khó khăn riêng lại đặt ra cho cả thầy lẫn trò. Đó là chưa kể những thử thách thường xuyên như hậu quả chiến tranh, thiên tai… Ranh giới giữa thuận lợi và khó khăn đôi khi chỉ tính bằng một trận bão, lũ. Vì thế, từ nhiều năm nay, các thế hệ lãnh đạo Sở GD&ĐT đã xác định phải thường xuyên “tiếp lửa” cho đảng viên, giáo viên để họ giàu thêm ý chí, bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đặc biệt, lãnh đạo sở luôn nỗ lực khơi lên lòng yêu nghề, khát vọng cống hiến trong đội ngũ đảng viên, nhà giáo và thôi thúc họ viết tiếp câu chuyện đẹp của những đồng nghiệp đi trước.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương, hiện nay, phần lớn chi bộ đảng và đảng viên trong ngành giáo dục ở tỉnh do tổ chức đảng địa phương quản lý. Dẫu vậy, cấp ủy, lãnh đạo Sở GD&ĐT vẫn luôn quan tâm, động viên, nắm bắt tình hình và phối hợp triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong mỗi trường học. Các đảng viên, giáo viên được quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chủ trương, chính sách liên quan đến ngành giáo dục. Mới đây nhất, nhờ triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết 29- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII mà ngành giáo dục của tỉnh đã có nhiều chuyển biến, phát triển cả về quy mô, mạng lưới lẫn chất lượng, hiệu quả.

 

                       Em Văn Thái Ngọc Hân được kết nạp Đảng năm 18 tuổi - Ảnh: Q.H

Nỗ lực ươm mầm và tuyên truyền, vận động đảng viên trong ngành đi trước nêu gương sớm thu về quả ngọt. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục ngày càng lớn mạnh. Ở tất cả các cấp học, bậc học, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao. Đội ngũ nhà giáo ngày càng phát huy được phẩm chất tốt đẹp, sáng tạo, đổi mới, tâm huyết với nghề.

Nhiều cán bộ quản lý giỏi, năng động, sáng tạo, có nhiều cách làm đột phá để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp lửa truyền thống, nhiều tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, hy sinh cả tuổi thanh xuân, mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” cao cả...

 Chung tay ươm mầm “đảng viên tuổi 18”

Giữa năm 2020, Ban Chấp hành Tỉnh đoàn triển khai mô hình “Đảng viên tuổi 18”, khởi đầu bằng việc ban hành hướng dẫn đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp trong các trường THPT. Mô hình này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ lãnh đạo ngành giáo dục và các trường học.

 Phối hợp với Tỉnh đoàn, các nhà trường, đoàn trường đã lập kế hoạch bồi dưỡng đoàn viên ưu tú; bình chọn đoàn viên ưu tú từ đoàn viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để giới thiệu cho cấp ủy đảng; bồi dưỡng, hướng dẫn đoàn viên ưu tú là đối tượng Đảng tiếp tục phấn đấu, rèn luyện; kiên trì giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng; tham mưu cấp ủy tổ chức lễ kết nạp đảng viên… Đến nay, toàn tỉnh đã có 54 đoàn viên ưu tú được giới thiệu cho Đảng khi còn trên ghế trường THPT. Trong đó, 12 đoàn viên ưu tú đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi mới 18 tuổi.

Đặc biệt, trước khi mô hình “Đảng viên tuổi 18” ra đời, tỉnh Quảng Trị đã có những “hạt giống đỏ” được ươm mầm, nảy nở dưới mái trường. Nhiều đảng viên tuổi 18 trước đây nay đã thành tài. Một số người đang giữ những chức vụ, vị trí cao tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh như: Thái Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Công thương; Nguyễn Đức Thiện, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh… Một số đảng viên khác tuy rời ghế trường THPT chưa lâu nhưng cũng đã để lại những dấu ấn trong công việc, học tập, cuộc sống như: Trương Thị Lộc Linh, Võ Hoàng Thủy Tiên, Bùi Thiên Trang… Dù ở đâu, làm gì, tinh thần xây dựng Đảng của họ luôn rất cao.

Em Võ Hoàng Thủy Tiên, Bí thư Chi bộ Sinh viên II, Trường Đại học Y dược Huế, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Chi bộ Sinh viên II của chúng tôi hiện có 83 đảng viên. Là bí thư chi bộ, tôi luôn nỗ lực phát huy vai trò, vị trí của bản thân cũng như mỗi đảng viên. Tôi và các đảng viên khác cũng đang từng ngày xây đắp niềm tin yêu Đảng, khát vọng cống hiến cho các sinh viên khác. Tôi rất vinh dự, tự hào khi được kết nạp Đảng năm 18 tuổi và có nhiều cơ hội cống hiến cho Đảng”.

Chính những “hạt giống đỏ” nảy mầm thành công đã góp phần thôi thúc ngành giáo dục tích cực hơn trong việc phối hợp với các cấp bộ đoàn để duy trì, phát triển mô hình “Đảng viên tuổi 18”. Tại nhiều ngôi trường trên địa bàn, để tạo nguồn kết nạp, ngay từ đầu năm lớp 10, những học sinh, đoàn viên ưu tú đã được nhà trường đưa vào diện “ươm mầm”.  Các đảng viên, giáo viên sẽ là người đồng hành, hỗ trợ trong quá trình học tập, giúp các em có cơ hội tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, diễn đàn, sân chơi lành mạnh, ý nghĩa… để khẳng định năng lực. Đoàn thanh niên của trường tạo điều kiện tốt nhất cho các em tự tổ chức, tham gia các hoạt động phong trào, xã hội để có cơ hội rèn luyện, thể hiện bản thân, đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp.

Em Văn Thái Ngọc Hân, một trong những đảng viên tuổi 18 chia sẻ: “Đằng sau vinh dự, niềm vui của em là sự đóng góp, hỗ trợ thầm lặng của nhiều đảng viên, giáo viên, cán bộ đoàn, gia đình… Em sẽ nỗ lực hơn trong học tập và cuộc sống để không phụ những tấm lòng ấy”.

Đối với các đảng viên, nhà giáo ở Quảng Trị, việc những “hạt giống đỏ” nảy mầm trên ghế nhà trường chính là niềm vui, động lực để họ nỗ lực nhiều hơn cho sự nghiệp “trồng người” và xây dựng Đảng. Ai cũng khắc ghi câu nói của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Và tất nhiên, họ biết, để sự nghiệp trăm năm ấy thắng lợi, mỗi người cần tiếp bước lớp đảng viên, giáo viên đi trước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giữ ngọn lửa yêu quê hương, đất nước và yêu nghề luôn bừng cháy mãi.

                                                                             (Nguồn Trương Quang Hiệp – Báo Quảng Trị)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lượt truy cập hiện tại : 38
Hôm nay : 255
Tháng 03 : 110.268
Tháng trước : 94.579
Năm 2022 : 622.701