Giới thiệu - Sở giáo dục và đào tạo

Liên kết Website
Bản đồ vị trí

Giới thiệu

50 Năm phát triển sự nghiệp Giáo dục-Đào tạo

]]>

Một bộ phận ưu tú, gặp ánh sáng cách mạng, được Đảng dìu dắt, giáo dục, bản thân lại giàu lòng yêu nước, giàu ý chí tự học, tự rèn đã tham gia cách mạng và đã trưởng thành cùng cách mạng trở thành những nhà chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hoá, khoa học tên tuổi đóng góp xứng đáng cho nước nhà. Tiêu biểu như Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, các đồng chí Trần Hữu Dực, Trần Quỳnh, Đoàn Khuê, Đặng Thí, Trần Hoàn, Nguyễn Hữu Khiếu, Lê Chưởng... và nhiều đồng chí khác.

 

Nhìn một cách xuyên suốt cả một quá trình lịch sử cho đến năm 1945, trên đất Quảng Trị đã từng có hai dòng giáo dục: giáo dục dân gian và giáo dục chính quy. Dòng giáo dục dân gian là dòng giáo dục mà các thế hệ người Quảng Trị đã truyền lại cho nhau những tri thức, những kinh nghiệm  trong lao động, đánh giặc và tổ chức cuộc sống.  Dòng giáo dục chính quy quy do Nhà nước phong kiến và thực dân Pháp tổ chức, tuy có những tăng tiến nhất định theo thời gian nhưng về cơ bản từ hệ thống tổ chức đến quy mô trường lớp, số lượng người học, cơ sở vật chất kỹ thuật... đều phát triển chậm, nhỏ bé và không có gì đặc sắc nổi trội so với các địa phương khác. Điều quan trọng và có ý nghĩa nhất là ý thức, thái độ và kết quả trong sự học của con người Quảng Trị trong hoàn cảnh thực tế khó khăn đó. Rõ ràng là con người Quảng Trị phải vừa học một phần trong trường học vừa phải học nhiều ở trường đời, học một phần với thầy còn lại phải tự học, tự hoàn thiện bản thân. Khó khăn càng nhiều thì sự khổ học càng lớn, sự khuyến khích, hỗ trợ từ gia đình dòng họ, cộng đồng càng cao. Đã có hai sự thật rất đáng trân trọng:

Một là: Truyền thống hiếu học. Do những thiệt thòi riêng mà trừ danh nhân Bùi Dục Tài, còn lại người Quảng Trị hầu hết đỗ đạt vào thời triều Nguyễn. Theo thống kê từ các kỳ thi, Quảng Trị đã có 166 vị đỗ cử nhân, 10 vị đỗ phó bảng và 17 vị đỗ tiến sĩ (xem bảng phụ lục đính kèm). Trong một thời gian không dài lại với một số dân ít ỏi, đó là một tỉ lệ không thấp so với các địa phương khác. Nhưng nếu cộng chung một quá trình dài thì số lượng đó nhỏ hơn nhiều so với các tỉnh có điều kiện phát triển giáo dục sớm, nhất là các tỉnh ngoài Bắc. Vì vậy sẽ là không hợp lý nếu nói Quảng Trị là tỉnh có truyền thống khoa bảng. Nhưng điều vô cùng quý báu và đáng trân trọng chính là con đường vượt qua nhọc nhằn, khó khăn với lòng khát vọng để khổ học để thành tài của các danh nhân này. Trong số đó, tấm gương của Bùi Dục Tài mãi mãi là tấm gương sáng để mọi thế hệ cùng soi. Sinh vào năm Đinh Dậu (1477) tại một vùng quê nghèo (Hải Tân - Hải Lăng), trong buổi đầu của xứ Ô - Lý mới trở về Đại Việt, nơi "đất đai hẻo lánh, phong tục chất phác, nhân vật thưa thớt, không thể so với châu Hoan, châu ái". (*) Nhưng với ý chí khổ học sau hơn 10 năm đèn sách, ông đã "sớm nêu sĩ vọng, đột phá khai khoa" (*) xuất sắc vượt qua kỳ thi Hương (1501) rồi kỳ thi Hội, thi Đình (1502) để vinh hạnh nhận bằng Đệ nhị giáp tiến sĩ, được "sắc tứ vinh quy", được khắc tên vào bia ở Văn Miếu và được phong    hàm thất phẩm. "Do có công ứng nghĩa, lại tài cao được thăng tả thị lang Bộ lại"(*). Trước khi mất ông làm chức tham tướng, sau khi mất được vua Lê Chiêu Tông truy tặng chức Thượng thư Bộ lễ. Học giả Dương Văn An  ca ngợi ông: "Bùi Dục Tài về chính trị, văn chương xứng đáng làm bậc anh tài trong thiên hạ chứ đâu phải là bậc anh tài của riêng châu Ô". Nhà bác học Lê Quý Đôn khen ông "văn mạch một phương dằng dặc không dứt". Còn nhân dân thì chôn cất, thờ cúng ông trang trọng trong chùa lớn của làng với niềm kính yêu sâu sắc. Từ người đột phá khai khoa là Bùi Dục Tài năm (1502) đến người đỗ phó bảng trong kỳ thi Hội cuối cùng (1919)là Lê Nguyên Lượng (quê ở Do Linh), các vị đại khoa Quảng Trị không chỉ đạt đến danh giá khoa bảng mà còn là tấm gương đáng kính, đáng phục vì chí tiến thủ, đức kiên nhẫn và nghị lực phi thường. Lòng hiếu học, tinh thần khổ học đó là kết tinh một cách cô đúc và sinh động khát vọng vươn lên và đức tính cần mẫn chịu thương chịu khó của người dân Quảng Trị vậy.

Hai là: Truyền thống khuyến học. Cùng với việc thường xuyên học hỏi, truyền cho nhau những hiểu biết, kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, người dân Quảng Trị cũng sớm thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học có hệ thống, quy cũ ở trường, lớp chính quy. Việc số đông phải thất học càng làm cho khao khát học hành, tôn vinh sự học trong nhân dân Quảng Trị có một màu sắc riêng. Điều này đã được phản ánh rất rõ qua nội dung các hương ước, khoán ước được xây dựng sớm ở Quảng Trị. Ngay từ tháng 6 năm Giáp Ngọ (1774) hương ước làng Phú Kinh (Hải Hoà, Hải Lăng) đã ghi rõ: "Ai ai cũng phải học, học chữ, học nghề, học lễ nghĩa". Như vậy là cách đây gần 300 năm, người dân Phú Kinh đã có ý thức rằng không phải một số người mà "ai ai" cũng phải học và không chỉ học để có kiến thức mà học để còn làm việc có hiệu quả hơn và làm người tốt hơn. Ngày 25-6-1856, bản khoán ước của làng Cu Hoan (Hải Thiện, Hải Lăng) quy định cụ thể việc tạo điều kiện cho sự học: "Trích 9 mẫu hạ điền, 5 sào thu điền cấp cho việc học... giao cho lý dịch 3 mẫu, giá 48 quan để lo tế xuân thu nhị kỳ, còn 6 mẫu với giá 100 quan chuẩn cấp cho việc mời thầy dạy, 5 sào còn lại chuẩn cấp cho phu trường". Nhiều làng khác ngoài nội dung trên đã quy ước rất cụ thể về các điều khoản để khuyến khích ngươì dạy, người học. Chẳng hạn: "Học trò nghèo chăm học được làng trợ cấp, đi thi được cấp tiền, gạo làm lệ phí nhằm giúp con em chú tâm vào đèn sách và ứng thi thành đạt". Hay: "Những ai khai khoa tiến sĩ văn-võ, bản xã làm một lễ tạ tam sinh (lợn, trâu, dê) lại được mừng tiền 10 quan, ngoài ra gia thưởng một mẫu ruộng canh tác suốt đời. Ai đỗ cử nhân văn - võ, thì bản xã mổ trâu lễ tạ, được thưởng 8 quan, gia thưởng 5 sào ruộng canh tác suốt đời. Những ai đỗ tú tài, bản xã làm lễ tạ một bò, mừng tiền 5 quan, gia thưởng 3 sào ruộng..."(1) Thành đạt của các vị đại khoa, ngoài niềm say mê và ý chí của chính họ còn có biết bao công lao tần tảo của những người vợ, một nắng hai sương của các bậc cha mẹ, sự hỗ trợ, khuyến khích của dòng họ, xóm làng... Những khuyến khích, hỗ trợ học hành này đã góp phần trực tiếp cho họ thành đạt và khi họ đã thành đạt thì đó là niềm vui, niềm kiêu hãnh to lớn của gia đình, dòng họ, làng xóm. Khi học, khi thi được cả cộng đồng khích lệ, giúp đỡ, khi thành đạt thì được cả làng xã hân hoan đón rước, khi mất thì được làng xóm chăm lo hậu sự, thờ cúng thành kính.

Tóm lại, qua một quá trình dài dưới chế độ phong kiến và thực dân Pháp, nền giáo dục chính quy trên đất Quảng Trị là nhỏ bé và cách xa với yêu cầu của cuộc sống. Những tài sản to lớn mà lịch sử đã để lại đó là: truyền thống hiếu học và khuyến học của nhân dân ta. Đây là một nội lực cho sự phát triển nền giáo dục trong chính thể mới và thời đại mới.

]]>

Lượt truy cập hiện tại : 9
Hôm nay : 591
Tháng 03 : 110.268
Tháng trước : 94.579
Năm 2022 : 610.468